GIỚI THIỆU VỀ TRƯỜNG THPT NGUYỄN VĂN CỪ
Như một dòng sông nhỏ, trường THPT Nguyễn Văn Cừ cùng với muôn ngàn dòng sông khác trên dải đất hình chữ S luôn âm thầm, miệt mài chuyên chở nặng phù sa bồi đắp mỡ màu cho sự đơm hoa kết trái. Thực hiện sứ mệnh vẻ vang của cuộc đời, xã hội giao phó, nhà trường đã và luôn cố gắng trau dồi và phát triển lớn mạnh không ngừng. Trải qua bao thăng trầm, biến cố của đời sống xã hội, nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và luôn luôn hướng về mục tiêu: Vì học sinh thân yêu!
Trường THPT Nguyễn Văn Cừ) là một trong những ngôi trường có sự vươn lên mạnh mẽ. Trải qua hơn bốn mươi năm xây dựng và phát triển, truyền thống và uy tín của nhà trường đã được gắn với tên tuổi của các nhà lãnh đạo, quản lí giáo dục đầy tâm huyết và giàu lòng yêu nghề như: thầy Nguyễn Văn Hy, thầy Bùi Duy Hoan, thầy Lê Ngọc Ẩn, thầy Ngô Quang Bổng, thầy Nguyễn Minh Phi. Hơn bốn mươi năm quađã có biết bao thầy giáo, cô giáo cần mẫn, miệt mài trên từng trang giáo án để gom góp, chắt chiu, tích lũy kiến thức truyền thụ cho các thế hệ học sinh. Bằng tâm huyết lòng nhiệt tình, thầy cô đã chắp cánh cho các thế hệ học sinh bay cao, bay xa, cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước.
Bước vào năm học 2018 – 2019, ngôi trường mang tên cố Tổng bí thư đầu tiên - Nguyễn Văn Cừ vừa tròn 42 tuổi; Từ mái trường này đã có biết bao nhiêu thế hệ thầy giáo, cô giáo, học sinh phấn đấu trưởng thành. Mái trường này đã trở thành niềm tin, niềm tự hào của phụ huynh, học sinh, của các cấp uỷ, chính quyền và ngành Giáo dục Thủ đô. Vượt qua muôn vàn khó khăn nhà trường đã tìm cho mình những bước đi phù hợp, những giải pháp hữu hiệu và đã vượt qua mọi trở ngại vươn lên dành nhiều thắng lợi.
Chi bộ Đảng liên tục được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh, vững mạnh tiêu biểu. Nhà trường liên tục được công nhận là tập thể “Lao động tiến tiến” “Lao động xuất sắc và năm 2016 được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen. Công đoàn liên tục nhiều năm đạt vững mạnh xuất sắc, được tặng bằng khen của Công đoàn Giáo dục thành phố và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của nhà trường liên tục được Trung ương Đoàn tặng nhiều bằng khen, 17 năm liền nhà trường được công nhận đơn vị xuất sắc về TDTT cấp thành phố. Các cuộc phát động thi đua “Dạy tốt, học tốt” , “Hoa điểm tốt, tiết học điểm 10” được nhà trường phát động và thu gặt được những kết quả cao.
Hơn bốn mươi năm qua, nhà trường đã đào tạo được một đội ngũ giáo viên giỏi, hàng năm nhà trường đã cử một số giáo viên đi học nâng cao kiến thức chuyên môn. Hiện nay đã có 28 Thạc sĩ, kết nạp được 35 Đảng viên . Bước tiến dài trong lịch sử của nhà trường được đánh dấu qua những giai đoạn lịch sử:
1. Giai đoạn (1977 - 1993):
Trường cấp 3 Vừa học-Vừa làm- Gia Lâm được thành lập theo Quyết định số 487/QĐ - UBND ngày 26/1/1977 của UBND thành phố Hà Nội
Ngôi trường mới ra đời tại xã Đa Tốn huyện Gia lâm thành phố Hà Nội. Trường gánh trên vai mình không chỉ là nhiệm vụ hình thành những nền tảng tri thức cho những thế hệ công dân đầu tiên sau thống nhất mà còn hình thành cho các em lòng hăng say lao động , sáng tạo đúng như tên quyết định thành lập của cấp trên. Năm học đầu tiên (1977- 1978) trường chỉ có 186 học sinh, đội ngũ giáo viên là 12 người do thầy Nguyễn Văn Hy phụ trách. Trường lớp chưa có thầy trò phải học nhờ tại đình làng Đông Dư. Bước sang năm học thứ 2, cùng với sự đóng góp của nhân dân và chính quyền 4 phòng học cấp 4, 5 phòng học bằng tranh tre được xây bốn bề xung quanh là ao là ruộng. Trò cũng như thầy một buổi học, một buổi cùng nhau lao động, vừa trau dồi tri thức vừa chia sẻ những kinh nghiệm trong quà trình lao động
Mặc dù dạy và học trong điều kiện khó khăn thiếu thốn, vừa là vừa học nhưng tiến giảng bài vẫn chưa hề dứt, thầy và trò vẫn hăng say với những bài học mới, vẫn hăng say lao động và sản xuất.
Ngay từ đầu Chi bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhà trường đã được thành lập và phát triển sớm khẳng định được vai trò trách nhiệm của mình đối với công tác giáo dục thế hệ trẻ mầm non tương lai của đất nước.
Trước những khó khăn như vậy nhưng thầy miệt mài, chịu khó, tâm huyết với nghề nghiệp, lãnh đạo nhà trường đã tìm tòi và đề xuất nhiều giải pháp quản lý sáng tạo. Trò chăm chỉ quyết tâm cùng với sự tổ chức và duy trì nề nếp của nhà trường nên chất lượng dạy và học, kết quả học sinh giỏi hàng năm của nhà trường tăng rõ rệt và có nhiều giải cao.
2. Giai đoạn 1993 - 2013: Tên mới –Động lực mới- Chuyển mình vươn lên
Đất nước sau 7 năm đổi mới đã có bước chuyển mình, đời sống nhân dân được nâng lên, nhu cầu học tập ngày càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu của giáo dục thời hội nhập, lòng biết ơn to lớn với các lãnh tụ Đảng, cũng như nguyện vọng của tập thể giáo viên, học sinh nhà trường tháng 1năm 1993 UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định đổi tên trường thành trường THPT Nguyễn Văn Cừ . Ngôi trương như khoác thêm một màu áo mới một động lực mới để thi đua dạy tốt và học tốt.
Trước những khó khăn mới nhà trường vừa tập trung đẩy mạnh chuyên môn bằng cách tự học, tự bồi dưỡng mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong giảng dạy về thể hiện các chuyên đề cho các giáo viên theo tổ chuyên môn. Mặt khác nhà trường tích cực bồi dưỡng đội ngũ kế cận, vừa chăm lo xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô.
Nhờ có nền móng vững chắc do các thế hệ thầy cô tạo dựng như hết sức chăm lo xây dựng đội ngũ, hết sức chăm lo công tác giáo dục đạo đức, xây dựng kỷ cương nề nếp nhà trường, chỉ đạo Đoàn thanh niên đẩy mạnh các phong trào hoạt động, tăng cường giáo dục tư tưởng nhằm ngăn chặn lối sống lai căng của một số bộ phận thanh niên xâm nhập vào nhà trường.
Nhờ sự cầu thị học hỏi của Ban Giám hiệu mới, môi trường sư phạm đoàn kết, có nhiều sáng tạo trong chỉ đạo và đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu nên trường ngày càng vững bước đi lên. Tuy bước đầu có nhiều khó khăn về đội ngũ, nhưng nhờ có nhiều giải pháp đồng bộ của nhà trường cùng với sự nổ lực phấn đấu của từng cá nhân, nên phần đông năng lực chuyên môn của giáo viên trẻ được nâng lên rõ rệt, lực lượng giáo viên trẻ phấn đấu để trở thành giáo viên giỏi các cấp như thầy Nguyễn Quý Xuân giải nhì môn Vật Lý kì thi GVDG cấp thành phố, thầy Đặng Văn Tươi giải đặc biệt kì thi GVDG cấp thành phố, thầy Bùi Ngọc Phóng giải nhất kì thi GVDG cấp thành phố. Hiện tại, đồng hành với các thầy cô giáo kỳ cựu, thế hệ giáo viên kế tiếp đã đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn và đang đảm nhiệm nhiều trọng trách trong nhà trường.
Thế hệ học sinh giai đoạn này đã nhận thức đúng trách nhiệm của mình, học tập và rèn luyện tốt ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Nhiều em đã phấn đấu trở thành Đảng viên, có em là cán bộ chủ chốt.
Kết quả của những năm cuối giai đoạn này về học sinh giỏi, học sinh đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng ngày càng tăng, điều đó khẳng định bước đi phù hợp của nhà trường.
Ngoài chất lượng văn hoá, việc giáo dục đạo đức cho học sinh cũng được chú trọng tăng cường các hoạt động giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống được coi trọng. Bằng nhiều hình thức phù hợp hoạt động các đoàn thể đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Một bộ phận đang tiếp tục học tập và các em đều phát huy tốt truyền thống của bậc cha anh, xứng đáng là học sinh trưởng thành từ mái trường THPT Nguyễn văn Cừ, một trường mang tên thầy giáo, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Viêt Nam
3. Giai đoạn 2013-2017: Trường chuẩn quốc gia- Bàn đạp tiến lên
Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm cùng với nỗ lực không ngừng của các thế hệ thầy cô giáo, các đồng chí cán bộ nhân viên và các em học sinh, tháng 11 năm 2013 theo quyết định số 6652/QĐUBND ngày 04 tháng 11 năm 2013 của UBND thành phố Hà Nội công nhận trường THPT Nguyễn Văn cừ đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2013-2018 ghi nhận một mốc son mới của trường.
3.1. Về quy mô năm 2017-2018
- Cán bộ giáo viên: Ban giám hiệu: 04 đồng chí
Giáo viên:68 đồng chí chia làm 05 tổ công tác
Tổ Văn phòng: 11 đồng chí
- Quy mô lớp : 37 lớp với 1500 học sinh
3.2.Về cơ sở vật chất khang trang, cảnh quan sư phạm “ Xanh – Sạch – Đẹp” sinh động và đầy chất thơ.
Từ hai dãy nhà cấp 4 làm phòng học cho 16 lớp, năm học 2001 trường đưa vào sử dụng khu nhà 4 tầng được xây dựng bằng ngân sách của nhà nước. Năm học 2013 - 2014 trường tiếp tục đưa vào sử dụng khu phòng học 4 tầng thứ hai, với các phòng Thư viện đạt chuẩn Quốc gia, phòng nghe, nói, phòng thí nghiệm phong học đa năng, các phòng chức năng được trang bị đầy đủ phục vụ tốt cho giảng dạy và học tập Khu nhà hiệu bộ được cải tạo với đầy đủ các phòng ban tạo điệu kiện tốt nhất cho công tác dạy học.
Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường còn chú trọng xây dựng cảnh quan sư phạm “Xanh - Sạch - Đẹp” tương xứng với tầm vóc; biến khuôn viên hơn 33000 m2 này không chỉ là cơ sở hạ tầng phục vụ công tác dạy học mà còn trở thành một cảnh quan sinh động xanh mát và đầy chất thơ đã góp phần quan trọng vào công tác giáo dục toàn diện cũng như để lại ấn tượng đẹp cho các bậc phụ huynh và các thế hệ thầy trò.
3.3. Chất lượng giáo dục ấn tượng
Tạo dựng một cơ sở vật chất để dạy và học là nền tảng thiết yếu, nhưng không quá khó khăn bởi nhà trường luôn được sư quan tâm của các cấp chính quyền, các ban ngành. Nhưng điều cơ bản nhất là chất lượng giáo dục. Để có được sự phát triển kì diệu về chất lượng giáo dục ngoài sự quan tâm chỉ đạo từ các cấp, các ban ngành, đòi hỏi mỗi cán bộ giáo viên, mỗi học sinh đề phải có sự cố gắng thi đua dạy và học. Nhiều cuộc chuyên đề hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục được ngành tổ chức như hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học, các chuyên đề đã giúp nhà trường cải thiện hơn về chất lượng giáo dục. Ban giám hiệu cùng tập thể cán bộ giáo viên xác định tăng cường đầu tư vào hoạt động chuyên môn, coi đây là điều kiện then chốt để nâng cao chất lương giáo dục. Các sáng kiến kinh nghiệm, các hội thảo chuyên môn được tổ chức và nhân rộng từ các tổ chuyên môn đã thực sự có chiều sâu và hiệu quả, các hội thi giáo viên giỏi được các thầy cô hưởng ứng. Sự cố gắng, nghị lực vượt khó, sự tận tâm của tập thể các bộ giáo viên đã có sức lan tỏa cao tới các thế hệ học sinh đã làm nên sự thay đổi đáng kê về chất lượng học của học sinh. Từ chỗ số học sinh Giỏi, học sinh đỗ Đại học chỉ đếm được trên đầu ngón tay, theo thời gian con số này đã tăng lên một cách ngoạn mục. Từ năm học 2006- 2007 đến nay chất lượng mũi nhọn và chất lượng thi đại học đã có bước phái triển ấn tượng. Học sinh giỏi thành phố và cụm năm học 2016-2017 là 51 học sinh trong đó tiêu biểu là học sinh Nguyễn Phương Nam lớp 12A2 đạt giải nhất môn Toán với điểm số 20/20, học sinh Chử Văn Tình lớp 11A1 đạt giải nhất môn Tin học với điểm số 20/20, Năm học 2017-2018 số học sinh đat học sinh giỏi thành phố là 55 tiêu biểu là học sinh Lê Hoàng Lâm 11A2 giành giải ba thành phố môn Địa và giải nhất môn Sinh học, 05 học sinh giải nhất, 06 học sinh giải nhì, 18 học sinh đạt giải ba vaf20 học sinh đạt giải khuyến khích.
Qua 40 năm nhà trường đã duy trì tỉ lệ tốt nghiệp THPT trên mức trung bình thành phố, tỷ lệ học sinh đỗ đại học năm 2016-2017 là 68%, nhiều học sinh của trường trở thành nhà quản lý, kĩ sư, bác sĩ, doanh nhân. Trong số đó cũng rất nhiều học sinh quay lai trường tiếp tục sự nghiệp trồng người của thế hệ thầy cô đi trược như cô giáo, thầy giáo. Và rất nhiều học sinh của trường dù không học lên các bậc học đại học nhưng các e đã có đóng góp rất lớn trong xây dựng phát triển kinh tế địa phương. Và dù ở đâu, cương vị nào học thì họ cũng là một phần không thể thiếu của truyền thống 40 năm phát triển của trường THPT Nguyễn Văn Cừ, tất cả đang làm rạng rỡ trang sử của mái trường THPT Nguyễn Văn Cừ thân yêu
3.4 Đội ngũ cán bộ giáo viên năng động sáng tạo
Sự sáng tạo đó được ghi nhận bởi những giải nhất cao của cán bộ giáo viên trong các kì thi giáo viên giỏi cấp thành phố như giải nhất cuộc thi Giáo viên giỏi bộ môn KTCN của thầy Đặng Văn Tươi, thầy giáo Bùi Ngọc Phóng hai lần đạt giải nhất trong cuộc thi giáo viên giỏi thành phố, cô giáo Nguyễn Thị Hồng đạt giải nhì trong kì thi GV dạy giỏi thành phố, thầy Nguyễn Quý Xuân- Giải nhì hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cô giáo Đỗ Hoài Nam đạt giải nhì trong cuộc thì Giáo viên giỏi thành phố bộ môn GDCD, cô giáo Dương Thị Thủy đạt giải nhất trong hội thi truyên truyền pháp luật cấp thành phố, cô giáo Lê Thị Thương đạt giải ba trong cuộc thi Giáo viên dạy gỏi cấp thành phố bộ môn Lịch sử. Nhiều thầy cô giáo có học sinh đạt giải cấp quốc gia như cô Nguyễn Thị Hương, cô Vũ Thị Tần, cô Nguyễn Thị Phượng, cô Nguyễn Thị Thúy Hà; nhiều thầy cô giáo có học sinh đạt giải Thành phố như thầy Nguyễn Minh Phi, cô Lê Thị Hồng Thu, cô Nguyễn Thị Thắm, cô Nguyễn Thị Thoa, thầy Nguyễn Văn Quyền, cô Đoàn Thị Bích Thụy, cô Đỗ Thị Thanh Lịch, cô Nguyễn Thị Điệp, thầy Vũ Văn Diệp, cô Nguyễn Thị Thu Hà, thầy Nguyễn Trung Hiếu, thầy Nguyễn Đức Vương, thầy Ngô Quang Sơn,….
3.5. Tấm lòng chia sẻ bao dung
Ngoài sự năng động sáng tạo, đội ngũ giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Cừ còn rất được học sinh và phụ huynh nhà trường trân trọng bởi tinh thần tương trợ, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, cùng giúp nhau trong cuộc sống và công việc. Giáo viên , đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp luôn có sự quan tâm sát sao tới các em, động viên kịp thời, cùng các em và gia đình tháo gỡ những khó khăn về kinh tế. Phương châm của Ban giám hiệu nhà trường được toàn thể hội động giáo viên hưởng ứng, đó là “ không để học sinh nghỉ học hay sao nhãng việc học vì những khó khăn về kinh tế ”. Dù rằng trong cuộc sống nhiều đồng chí còn khó khăn nhưng mỗi các nhân cán bộ giáo viên luôn sẵn lòng hỗ trợ các em khi cần. Phong trào “mỗi giáo viên đỡ đầu một học sinh” đang từng bước trở thành truyền thống của nhà trường. Những rắc rối của học sinh, những biến đối về tâm sinh lí lứa tuổi của học sinh luôn được giáo viên quan tâm để kịp thời động viên. Nhiều giáo viên không chỉ giữ vai trò là giáo viên chủ nhiêm, giáo viên bộ môn mà còn là người mẹ, người cha, người bạn để học sinh có thể thoải mái chia sẽ những tâm tư nguyện vọng của mình. Bởi vậy mà học sinh trường THPT Nguyễn Văn Cừ được học tập không chỉ trong một ngôi trường khang trang sạch đẹp với những người thầy người cô tận tâm mà trên hết các em còn có một mội trường giáo dục thân thiện bình đẳng và dân chủ. Hội nghị học sinh đầu năm với Ban giám hiệu nhà trường đã nói lên điều đó. Ở đó những tâm thư của các em được thầy Hiệu trưởng “có tuổi mà không có tuổi” lắng nghe, giải đáp và có thể thực hiện ngay nếu như đó là hợp lí.
Tất cả các yếu tố đó cùng với tinh thần phấn đầu không mệt mỏi, yêu trường yêu lớp của cán bộ giáo viên đã trở thành tấm gương cho biết bao thế hệ học trò vươn lên trong học tập, phấn đầu rèn đức luyện tài vì ngày mai lập nghiệp.
4. Thành quả đạt được
Nói đến sự thành công của nhà trường trước hết phải nói đến đội ngũ giáo viên. Nhà trường ý thức được rằng: Muốn học tốt phải đoàn kết, muốn đoàn kết phải có một đội ngũ giáo viên vừa mô phạm về đạo đức, vừa có trình độ chuyên môn chất lượng cao. Trong 40 năm qua nhà trường đã tạo dựng được một đội ngũ giáo viên yêu nghề, có năng lực chuyên môn, ham học hỏi, có kinh nghiệm, sáng tạo trong giảng dạy và đã nhận được những danh hiệu cao quý.
Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được. Trường nhiều năm đạt danh hiệu “ Tập thể lao động xuất sắc”, “Tập thể lao động tiên tiến” cấp cơ sở và năm 2016 nhà trường được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen, Chi bộ liên tục đạt “ Chi bộ trong sạch, vững mạnh”, Công đoàn liên tục được công nhậ là công đoàng vững mạnh và nhiều năm liền được tặng Bằng khen của công đoàng ngành và Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Đoàn trường liên tục nhiều năm liền vững mạnh xuất sắc được TW Đoàn tặng bằng khen và nhiều Giấy khen của Huyện Đoàn
Cũng từ mái trường này, mặc dầu mới 40 năm song đã có nhiều em là Tiến sĩ, Thạc sĩ, có một số là giảng viên dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, giáo viên các trường THPT và THCS. Một số là Bác sỹ, phóng viên các báo đài, cán bộ hội viên các Hội văn học, nghệ thuật, nhiều học sinh đã trưởng thành trong các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, một số lãnh đạo đã làm việc trong các ban, ngành, của các Sở Huyện, một số là cán bộ chủ trì các xã, phường, thị trấn.
Đặc biệt học sinh các thế hệ ra trường là nguồn nhân lực chính, có tri thức, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Từ mái trường này, các thế hệ giáo viên đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện và ngày càng trưởng thành. Từ mái trường THPT Nguyễn Văn Cừ đã là nơi nuôi dưỡng, rèn luyện và trưởng thành của nhiều thế hệ thầy cô giáo, nhiều thầy cô giáo là đảng viên của nhà trường đã trở thành những cán bộ quản lý giàu năng lực của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội như: Thầy Nguyễn Trung Dũng- Hiệu trường trường THPT Thăng Long,Thầy Nguyễn Quý Xuân- GVDG cấp Thành phố - Hiện là Hiệu trưởng trường THPT Phúc Lợi; thầy giáo Nguyễn Trung Kiên – GVDG cấp Trường – Hiện là Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều; cô giáo Lê Thị Miền – GVDG cấp trường – Hiện là Phó hiệu trưởng trường THPT Thạch Bàn; thầy giáo Lê Hồng Chung- GVDG cấp trường – Hiện là Phó Chánh văn phòng Sở GD và ĐT Hà Nội; và nhiều thầy cô giáo là đảng viên, giáo viên của nhà trường hiện là cán bộ, giáo viên giỏi của nhiều trường THPT trên toàn thành phố Hà Nội.
Nhiều giáo viên phấn đấu học tập để trở thành thạc sỹ, giảng viên các Trường Đại học, Cao đẳng, giáo viên năng khiếu, nhiều người là chiến sỹ thi đua, giáo viên giỏi các cấp. Đặc biệt là đội ngũ thầy giáo, cô giáo tận tụy, tâm huyết được các thế hệ học sinh tin yêu.
Những thành tích trên của trường THPT Nguyễn Văn Cừ đã góp phần đáng kể vào thành tích chung của ngành giáo dục huyện Gia Lâm nói riêng, của ngành giáo dục cả nước nói chung, củng cố thêm lòng tin tưởng và yêu quý của học sinh, phụ huynh huyện Gia Lâm.
Kế thừa từ các thế hệ đi trước để lại, nhà trường hiện nay đã và đang phát huy những truyền thống quý báu: miệt mài trau dồi kiến thức, kĩ năng sư phạm, lòng yêu nghề và trên hết là tư tưởng nhân văn, nhân ái để hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang mà Đảng, nhà nước, xã hội giao phó. Mãi mãi giữ vững niềm tự hào: Tổ Văn- nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị Tri thức, thẩm mĩ và nhân văn.
Nguyễn Thi Thoa